Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2011

Một số học thuyết tiền tệ tiêu biểu với các quan điểm có liên quan về nguồn gốc, bản chất và chức năng của tiền tệ

Một số học thuyết tiền tệ tiêu biểu với các quan điểm có liên quan về nguồn gốc, bản chất và chức năng của tiền tệ:

        1.      Các trường phái kinh tế học cổ điển
        §  Quan điểm về nguồn gốc của tiền tệ: có hai trường phái nổi bật mang màu sắc duy vật và duy tâm.
Trường phái thứ nhất cho rằng: tiền tệ ra đời là kết quả tất yếu của quá trình trao đổi hàng hóa. Đại diện cho trường phái này là Adam Smith (1723-1790), nhà kinh tế học người Anh cho rằng: “Trao đổi là dấu hiệu quan trọng nhất nói lên bản chất của nền sản xuất, tiền phát sinh là do những khó khăn của hình thức trao đổi trực tiếp H-H”. Adam Smith đã nghiên cứu nguồn gốc ra đời của tiền tệ từ yếu tố khách quan của quá trình trao đổi, song ông đã bỏ qua nguồn gốc của tiền tệ ngay trong hình thái giá trị giản đơn mà chỉ phân tích nguồn gốc của tiền tệ từ hình thái giá trị chung.

Trường phái thứ hai cho rằng: tiền tệ ra đời bắt nguồn từ tâm lý của con người. Đại diện cho trường phái phái này là hai nhà kinh tế học người Đức – V. Gheclop và C. Smondet. Họ cho rằng: tiền xác định đẳng cấp xã hội là thuộc về bản tính con người, vì đàn ông là danh vọng xã hội còn ham muốn làm đẹp với nhiều loại trang sức là bản tính của phụ nữ! Với cách lập luận mang tính duy tâm, trường phái này đã đứng trên quan điểm tâm lý để nghiên cứu một phạm trù kinh tế nên hoàn toàn thiếu thuyết phục.

§  Quan điểm về bản chất và chức năng của tiền tệ: có hai trường phái là trường phái tiền tệ kim loại và trường phái tiền tệ duy danh (tiền danh nghĩa).
Trường phái tiền kim loại:
Có nguồn gốc từ chủ nghĩa trọng thương với những đại biểu như Thomas Mun (1571-1641), Antoine Montchsetien (1575-1629), Jean Baptiste Colbert (1618-1683)...  Quan điểm của trường phái này là: vàng, bạc tự nhiên đã là tiền tệ, vàng bạc và tiền tệ là một – đó là của cải duy nhất của quốc gia và tiêu chuẩn đánh giá sự giàu có của nước đó...
Với quan điểm nêu trên, trường phái kim loại đã lẫn lộn giữa kim loại quý và tiền tệ mà không thấy rằng vàng bạc cũng là hàng hóa và chỉ trở thành tiền trong những điều kiện lịch sử nhất định qua quá trình chọn lọc và cố định dần vai trò vật ngang giá chung. Mặt khác, của cải xã hội không phải chỉ có tiền mà còn bao gồm các dạng tài sản vật chất khác. Có thể thấy học thuyết này ra đời sớm nên nội dung đơn giản và cách nhìn phiến diện nên chỉ thấy được các chức năng đòi hỏi tiền phải có đủ giá trị mà không thấy được tiền dấu diệu cũng có thể đảm nhiệm một số chức năng của tiền tệ. 

 Trường phái tiền duy danh:
Ra đời trong bối cảnh nền kinh tế phát triển mạnh trong giai đoạn thế kỉ XVIII. Bên cạnh tiền đủ giá, các loại dấu hiện giá trị như thương phiếu, kỳ phiếu ngân hàng... cũng đáp ứng nhu cầu thanh toán, trao đổi hàng hóa. Trước thực tế khách quan đó, tiền kim loại càng bộc lộ sự phiến diện, từ đấy thuyết tiền tệ duy danh ra đời. Với các đại diện nổi bật như: Adam Smith (1723-1790), D. Ricardo (1772-1823), J. Say (1767-1823)... Với quan điểm: tiền tệ là phương tiện kĩ thuật làm cho trao đổi được thực hiện, tiền chỉ là các chỉ tiêu của tỷ lệ, tiền không phải là hàng hóa mà là sản phẩm sáng tạo của Nhà nước, là đơn vị tính toán dùng trong lưu thông... Nói cách khác, trường phái này lại đứng ở góc nhìn phiến diện nghiêng về tiền dấu hiệu nên chỉ nghiên cứu tiền tệ qua chức năng phương tiện lưu thông và phủ nhận tính chất hàng hóa của tiền đủ giá cũng như không thấy được mối quan hệ giữa giá trị danh nghĩa của tiền dấu hiệu với giá trị tiền thực mà nó thay thế.
 Nằm trong số các nhà kinh tế học cổ điển, song K. Marx với cách nhìn của một nhà duy vật biện chứng đã đưa ra các quan điểm khoa học về các vấn đề tiền tệ như:
·        Về nguồn gốc của tiền tệ: ông lý giải sự phát triển qua 4 hình thái giá trị một cách logic để chức minh rằng tiền tệ xuất hiện là kết quả của quá trình phát triển lâu dài của trao đổi hàng hóa.
·        Về bản chất tiền tệ: ông không phiến diện như các nhà kinh tế theo trường phái kim loại hay trường phái duy danh khi đưa ra quan điểm “Vàng, bạc về bản chất là hàng hóa nhưng trong những điều kiện khách quan nhất định vàng, bạc được tách ra khỏi thế giới hàng hóa trở thành hàng hóa đặc biệt với giá trị sử dụng đặc biệt là: vật ngang giá chung đo lường và biểu thị giá trị của các hàng hóa khác”. Như vậy trong lớp áo là tiền tệ thì vàng, bạc mang bản chất là hàng hóa. Không chỉ tập trung vào chức năng phương tiện lưu thông của tiền tệ như đa số các nhà kinh tế học trước đó, K. Marx nêu lên 5 chức năng của tiền đủ giá và trong quá trình nghiên cứu các chức năng phương tiện lưu thông, phương tiện thanh toán, ông đã lý giải nguyên nhân ra đời của các loại tiền dấu hiệu, đồng thời đưa ra “quy luật về số lượng tiền cần thiết trong lưu thông” ghi cột mốc quan trọng cho hệ thống các quy luật về số lượng tiền trong kinh tế học hiện đại.

2.      Các trường phái kinh tế hiện đại
Sau K. Marx, các nhà kinh tế học thuộc trường phái tân cổ điển, trường phái Keynes... về cơ bản thống nhất với nhau các vấn đề như nguồn gốc của tiền, các chức năng của tiền, tuy nhiên các trường phái này nhấn mạnh hơn đến chức năng phương tiện lưu thông hơn là phương tiện cất trữ tiền.
Vào những năm 60 của thế kỷ XX, tư tưởng kết hợp của các nhà kinh tế theo trường phái Keynes và trường phái tân cổ điển hình thành nên trường phái hiện đại và hiện đang giữ vai trò thống trị ở Mỹ, Nhật và Tây Âu với các đại biểu như: “Kinh tế học” P. A Samuelson và W. Nordhaus,  “Kinh tế học hiện đại” của Milton Spencer, “Kinh tế học” của D. Begg, S. Fisher và R. Dornbusch. Đặc biệt trong bối cảnh các năm cuối thế kỷ XX các nhà kinh tế học hiện đại tập trung nghiên cứu sâu hơn về sự phát triển đa dạng của các loại tiền dấu hiệu, phát huy vai trò điều tiết vĩ mô của tiền chống chu kỳ khủng hoảng và thất nghiệp, bên cạnh đó, phát triển thêm về các quy luật về số lượng tiền tệ dưới nhiều góc độ khác nhau tạo điều kiện vận dụng tốt nhất phục vụ cho chính sách kinh tế vĩ mô của chính phủ.
Tóm lại: các học thuyết tiền tệ đã phát triển vô cùng phong phú, mỗi trường phái đều có những ưu thế riêng nhưng điều cốt lõi các nhà kinh tế học đã đúc kết những tư duy của mình đóng góp cho khoa học kinh tế nói tiêng và cho kho tàng tri thức nhân loại nói chung.

Theo PGS-TS. Sử Đình Thành, TS. Vũ Thị Minh Hằng, GS-TS. Dương Thị Bình Minh, ThS. Phạm Văn Hiếu, ThS. Nguyễn Anh Tuấn, TS. Bùi Thị Mai Hoài, TS. Diệp Gia Luật. 2008. Nhập môn tài chính tiền tệ. Nhà xuất bản Lao động Xã hội.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét